Tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” là những ký ức được chia sẻ từ những người đã đi qua đại dịch, để từ đó yêu thương nhiều hơn…

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"  (Nguồn: Bộ Y Tế và NXB Trẻ)
"Quyển từ điển riêng của bạn từ lâu đã nghèo nàn, giờ thêm nhiều trang trắng. Không còn rạp chiếu phim, nhà sách, cả quán nước cũng phù phiếm xa vời. Có lần thử điền vào mớ từ mà lúc này mọi người đang truyền tay nhau, những chánh niệm, tỉnh thức nhưng bạn vội gạch đè, biết còn lâu mình mới đủ thấu hiểu chúng. 

Như vô thường vậy, bạn tưởng đã thông tỏ rồi, sao lại thất thần khi thấy khói lên từ nhà hỏa táng. Nắm tro chắc phải chờ người nhận vì thân quyến còn mắc kẹt sau những sợi dây giăng. Trắc ẩn thì cực hạn, nhưng bất lực cũng theo đó mà thít chặt, bóp nghẹt. Bạn nhận ra mớ từ vừa mất đi của mình bé mọn vô phương, ngoài kia nhiều người chỉ có đói, kiệt quệ, vô vọng, tang thương trong cái mùa hè thê lương này.

Nhiều từ được định nghĩa lại. Công viên là nơi tụ tập của gió, của thảm lá ngày càng dày. Hẹn hò đồng nghĩa với bất định, bỏ lỡ. Trong ngữ lưu tháng Bảy, nếu ta nói hẹn cuối năm gặp nhau, người bạn sẽ hiểu rằng có thể tháng Chạp năm sau. Hoặc chỉ là một kiểu giao đãi bâng quơ thuận miệng, cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra.

Hạnh phúc, cái từ mà bạn ngờ vực nó không có thực, một khuya nghe tiếng xe cứu thương xé toang tịch mịch, bạn nghĩ thật may mình còn nghe được dư chấn của cơn chuột rút trên bó cơ đau. Sẽ có người đơn giản hơn, hạnh phúc là món trứng chiên có ít lá hành, là được tặng một đòn bánh tét, được về quê cách chỗ trọ năm chục cây số. Cái đơn vị đo khoảng cách, mùa hè này, mất sạch độ chính xác. Có người đi cả tháng mới hết một chục ki lô mét đường, hoặc ở khoảng cách có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ta sẽ không bao giờ tới được."

- Trích đoạn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

____________

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng 24 tác giả gồm y bác sĩ, nhà văn, nhà báo… đã viết về Sài Gòn.

Những trang viết được gói gọn trong cuốn "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương" - tập tản văn ra mắt vào đầu năm 2022. Số tiền bán được từ cuốn sách này được NXB Trẻ đóng góp 100% vào Quỹ phòng, chống COVID-19. Hơn 200 trang sách không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về một thời kỳ chưa kịp xa và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp...

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới - cũng là cảm xúc của người dân TPHCM trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.

Trang trong cuốn sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"

Hình ảnh trong cuốn sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"

Là cuốn sách đầu tiên của NXB Trẻ phát hành toàn quốc trong năm mới 2022 (vào ngày 4/1), tập tản văn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương sẽ được đơn vị xuất bản đóng góp 100% lợi nhuận vào Quỹ Phòng, chống Covid-19. Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành cùng NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.

Một số trích đoạn trong tập sách "Sài Gòn gợi nhớ những điều thương":

"Có những người bạn, mà tôi biết rõ là không phải giàu có dư dả gì, vẫn sẵn lòng góp mười tấn gạo cho chúng tôi đi phát cho bà con. Có người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm ký rau xanh, mấy gói đồ khô… 

Khi đi phát, tôi chứng kiến những người nhận quà tiếp tục san sẻ phần quà nhỏ nhoi đó cho những hàng xóm còn khó khăn hơn mình. Thấy thiệt sự chứ không phải "cảnh trên tivi". Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia, họ giàu nhơn ái. 

Rồi chúng ta sẽ vượt qua những ngày này, và kể lại với con cháu, cách mà chúng ta đã vượt qua nó, không phải bằng thuốc hay vaccine, mà bằng cách chúng ta đã dìu nhau như thế nào, chúng ta đã chia sẻ với đồng bào ra sao, mỗi ngày. Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương. Sài Gòn đang đứng dậy, một sáng mai, sáu rưỡi, nhịp sống lại sôi réo khắp nơi". 

Đàm Hà Phú

"Sài Gòn tang thương vì đại dịch khiến tôi nhận ra không phải chỉ những người nghèo khó là khốn khổ nhất trong đại dịch, những người nước ngoài sống cô độc tại Sài Gòn cũng có nỗi khổ riêng của mình. Cảm giác cô đơn, sợ hãi, nghĩ rằng mình có thể bị nhiễm và bỏ mạng tại xứ người trong khi gia đình ở quá xa khiến họ rất khủng hoảng". 

Dương Thụy

"Cứ ngỡ đâu chỉ là một tuần hay mười ngày như bao lần. Nhưng rồi, một tuần lại một tuần nữa, thêm một tuần nữa... Phố vắng ban ngày đã đành còn có cả giờ giới nghiêm khi trời sụp tối... Lòng người hôm nào chỉ mong đừng bị ai quấy rầy kể cả những thanh âm chung quanh, giờ bỗng nhiên hoang mang vì có quá nhiều ngày im vắng. 

Buổi sáng thức dậy, pha một tách café mà nghe rõ tiếng viên đá va vào thành ly khi khuấy chiếc muỗng. Cảm nhận được cả những sột soạt của trang sách khi mình lật sang. Không cần phải cố lắng nghe vẫn rất vang giọng trẻ con nhà bên cười đùa với ai đó..."

Nguyễn Phong Việt





Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn