Mặt tối của quân đội Hàn Quốc

Quân nhân Hàn Quốc biểu diễn Taekwondo trước bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Suh Wook và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nhân chuyến thăm Seoul của ông Lloyd Austin, ngày 02/12/2021, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Seoul.
Quân nhân Hàn Quốc biểu diễn Taekwondo trước bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Suh Wook và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nhân chuyến thăm Seoul của ông Lloyd Austin, ngày 02/12/2021, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Seoul. © REUTERS - Song Kyung-Seok

Hàn Quốc được biết đến là đất nước thực thi luật bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cuộc sống ở quân ngũ đã trở thành nỗi ác mộng cho nam giới nước này do nạn bắt nạt, bạo lực và quấy rối trong một môi trường hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. 

Sự thật về quân đội Hàn Quốc đã được khắc họa chân thật trong bộ phim truyền hình trên Netflix có tên gọi là D.P với sự tham gia diễn xuất của diễn viên chính Jung Hae-in và Koo Kyo-hwan. Cốt truyện của bộ phim đã thu hút người xem và làm dấy lên các cuộc thảo luận về những gì đang diễn ra trong quân đội Hàn Quốc.

Hàn Quốc áp dụng thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc

Sự chia cắt giữa hai miền Triều Tiên và Hiệp định đình chiến ngày 27/07/1953 đã khiến Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn nằm trong tình trạng “chiến tranh lạnh” căng thẳng.

Để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh và gửi tiếp viện sớm nhất trong trường hợp nguy cấp, Hàn Quốc duy trì quân đội thường trực 550.000 người và 2,7 triệu quân dự bị. Hầu như tất cả nam giới Hàn Quốc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 21 tháng.

Đi nghĩa vụ tuy gian khổ, nhưng là để bảo vệ quốc gia và là môi trường để nam giới Hàn Quốc rèn luyện thể chất, hình thành nếp sống ngăn nắp, có tổ chức và kỷ luật. Đầu tiên, các tân binh phải trải qua 5 tuần huấn luyện gian khổ. Họ làm quen lối sống kỷ luật từ những điều nhỏ nhất, như hô đúng khẩu hiệu, ăn ngủ đúng giờ, gấp chăn phải vuông thành sắc cạnh. Hàng ngày, họ phải rèn thể lực như đang thực chiến, tập hít khí độc, hành quân từ giữa đêm đến rạng sáng.

Bạo lực, bắt nạt và tự sát

Tuy nhiên, đi nghĩa vụ quân sự đã trở thành một áp lực lớn cho nam giới Hàn Quốc vì họ phải phải đối mặt với nhiều vấn đề trong môi trường sống khép kín. 

Trước tiên, để bảo đảm việc tuân lệnh trên chiến trường, quân đội Hàn Quốc coi kỷ luật gắt gao từ cấp trên là một hành động đương nhiên để dạy các tân binh. Ngoài ra, do ảnh hưởng lâu đời của Nho Giáo, xã hội Hàn Quốc luôn đặc biệt coi trọng tư tưởng về thứ bậc, từ trường học đến nơi làm việc. Việc phân cấp bậc này còn được thể hiện rõ hơn nhiều trong quân đội.

Những con số điều tra trong quân ngũ đã nói lên tất cả. Dữ liệu từ năm 2006 đến tháng 06/2011 cho thấy có tổng cộng 552 quân nhân tử vong, trong đó 63% là do tự sát. Trong số các trường hợp tự sát này, 89 trường hợp do không thích nghi với cuộc sống công vụ (25,6%), 61 do môi trường gia đình (17,5%), 58 vì khối lượng công việc (16,7%), 55 vì mệt mỏi và bi quan (15,8%) và 34 do bị quấy rối và lạm dụng tình dục (9,8%). 

Năm 2020, trong số 55 binh sĩ hy sinh trong quân đội Hàn Quốc, có tới 44 trường hợp là tự sát. Dù con số này đã giảm nhưng không thể chắc chắn rằng hệ thống quân đội đã thay đổi. Hơn nữa, khi một người chết trong quân đội không phải vì chiến tranh, mà vì tự sát, thì nên đổ lỗi cho ai? Nhiều vấn đề tương tự vẫn tồn tại và đều xuất phát từ những nguyên nhân như: đánh đập, lăng mạ, bạo lực tình dục, bắt nạt và văn hóa “bịt miệng” nạn nhân.

Những câu chuyện đau lòng

Cả nước Hàn Quốc có lẽ vẫn còn nhớ ngày 07/04/2014, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin một vụ bắt nạt tập thể trong một đơn vị y tế của Lữ đoàn Pháo binh 977 thuộc Sư đoàn Bộ binh 28 và dẫn đến cái chết của Yoon Seung-ju, một binh nhất 20 tuổi. 

Anh Yoon đã bị bốn quân nhân cấp trên đánh vào đầu và ngực. Mặc dù anh bất tỉnh nhưng những kẻ tấn công không thương tiếc và tiếp tục đánh. Cuối cùng, binh nhất Yoon Seung-ju bị chết não và qua đời vào sáng hôm sau, sau khi được đưa đến bệnh viện. Trước khi chết, Yoon đã phải chịu những hình thức đối xử tàn nhẫn khác như bị cấm ăn và ngủ.

Một câu chuyện khác, về “sự cố trung sĩ Lim”, cũng khiến cả nước Hàn Quốc bàng hoàng. Vào cuối năm 2014, trung sĩ Lim, thuộc sư đoàn bộ binh 22 ở Goseong-gun, tỉnh Gangwon, đã tấn công đồng đội bằng súng và lựu đạn, khiến 5 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương nặng. Lim đã trốn khỏi doanh trại, đem theo vũ khí, sau khi giết đồng đội. Sau đó, Lim viết thư tuyệt mệnh, rồi tự bắn vào ngực, nhưng đã được đưa đến bệnh viện và được cứu sống. Trong bức thư tuyệt mệnh do quân đội công bố, Lim đã đề cập đến sự cô lập và nạn bắt nạt trong quân ngũ. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra sự cố này.

Hai câu chuyện này đã tạo nên một câu nói nổi tiếng về quân đội Hàn Quốc : “Nếu bạn chịu đựng, bạn sẽ là binh nhì Yoon. Nếu bạn không thể chịu đựng, bạn sẽ trở thành trung sĩ Lim”.

Vào tháng 03/2021, người chuyển giới đầu tiên nhập ngũ ở Hàn Quốc đã bị ép xuất ngũ sau khi bị phát hiện là đã phẫu thuật chuyển giới. Sau đó, người ta phát hiện xác của người này. Cũng trong năm 2021, đã có hai nữ quân nhân tự tử sau khi bị quấy rối tình dục.

Quân đội Hàn Quốc có thể thay đổi?

Trong những năm gần đây, bộ Quốc Phòng đã đẩy mạnh các biện pháp nâng cao và cải cách văn hóa quân đội. Đầu tiên là để những “lính mới” và “lính cũ” sử dụng chung không gian trong lúc nghỉ giải lao để giảm xung đột thứ bậc. Trước đây, quân nhân chỉ được phép nghỉ một vài ngày lễ chính nhưng giờ họ được phép đi chơi ngoài giờ vào các ngày trong tuần. 

Một sự thay đổi lớn nữa, đó là quân nhân được sử dụng điện thoại di động sau giờ làm việc, cho phép họ liên lạc với người thân, bạn bè. Và nếu có bất kỳ vấn đề gì, họ có thể phơi bày mọi bất công trong doanh trại quân đội với thế giới bên ngoài. Sau cái chết của binh nhì Yoon do nhiều lần bị bắt nạt và hành hung vào năm 2014, bộ Quốc Phòng cũng đã cho phép gia đình đến thăm nhiều hơn.

Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn không giảm hẳn các trường hợp tấn công tình dục, bắt nạt và tự sát trong quân đội. Kết quả là, đã có nhiều người đứng lên kêu gọi những cải cách triệt để hơn. Cho Kyu-suk, điều phối viên tại Trung tâm Nhân quyền Quân đội, một nhóm công dân ủng hộ quyền của binh sĩ cho biết : “Quân đội không thể trốn tránh trách nhiệm sau cái vỏ bọc bảo vệ an ninh quốc gia được nữa. Quân đội cần phải được cải thiện ở rất nhiều khía cạnh khác”.

D.P : Những thước phim đau lòng

D.P là tên bộ phim được chiếu trên Netflix, nói về thực trạng trong quân đội. Bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Kim Bo-tong, dựa trên câu chuyện thật của Kim Bo-tong với tư cách là một cựu quân nhân D.P.  D.P, viết tắt của 2 từ “deserter pursuit” (truy bắt lính đào ngũ), là một đội có nhiệm vụ truy tìm và bắt giữ những kẻ đào ngũ trong quân đội. 

Mở đầu phim, đạo diễn lồng một đoạn phát biểu năm 2014 của tổng thống Park Geun Hye khi đó : “Kỷ luật quân sự thực sự bắt đầu từ việc xây dựng một doanh trại tôn trọng nhân cách của đồng đội và đảm bảo quyền con người”. Tuy nhiên, khi xem phim, khán giả sẽ nhận ra quân đội chính là mô hình thu nhỏ của xã hội và tồn tại nhiều mâu thuẫn đầy nhức nhối. 

Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim lấy bối cảnh năm 2014. Vào thời điểm đó, một số trường hợp lạm dụng quân đội cấp cao đã gây chấn động cả nước và làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng. Câu chuyện về binh nhì Yoon và trung sĩ Lim được đạo diễn lồng ghép khéo léo vào tình tiết của bộ phim, giúp khán giả có thể thấu hiểu nỗi đau và đồng cảm với nạn nhân về những gì đã diễn ra. 

Trả lời phỏng vấn báo RFI Tiếng Việt, anh Gyudong, nghiên cứu sinh tại trường đại học KyungPook, cho biết:

"D.P mô tả chính xác những gì tôi đã thấy ở trong Quân đội, vì vậy tôi có thể đồng cảm với nội dung bộ phim. Trung đội của tôi không quá khắt khe và hà khắc, nhưng có quá nhiều điều tôi không thể hiểu được. Theo như tôi biết, những điều đó đã được sửa chữa rất nhiều kể từ sau hai thảm kịch bùng nổ của binh nhì Yoon và trung sĩ Lim. Trong thời gian phục vụ trong quân đội, tôi có thể biết được rằng có những điều vô lý đang xảy ra trong xã hội Hàn Quốc. Những người thiếu tinh thần dẻo dai chắc khó vượt qua được điều này".

Trả lời phỏng vấn báo BBC Hàn Quốc, nam diễn viên kiêm người mẫu Kang Un, người từng phục vụ trong quân đội từ năm 2012 đến 2014, phải nói : “Khi tôi chứng kiến kẻ thủ ác đấm vào cổ người lính, tôi đã phải tạm dừng xem phim, vì đó chính xác là những gì tôi đã trải qua. Tôi cũng đã bị các tiền bối của mình đánh rất nhiều. Khi ai đó đánh vào cổ bạn 20 lần như vậy, nước mắt bạn sẽ rơi”.

Còn đạo diễn của bộ phim D.P, ông Han Jun-hee, khi trả lời phỏng vấn truyền thông, nhận xét: “Tôi biết là đã có một số cải tiến trong quân đội, nhưng tôi nghĩ loạt phim này sẽ đóng một vai trò trong việc giữ cho chúng ta cảnh giác, không lơ là trước bạo lực trong quân đội”.

CÁM ƠN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐÃ THEO DÕI MÌNH!!!☺☺☺


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn