Nỗ lực vì cộng đồng, giàu lòng nhân ái

Chân ướt chân ráo sang đất nước Hàn Quốc làm việc, mấy tháng đầu ở một nơi hoàn toàn xa lạ, Châu gần như bị tự kỷ vì cô đơn. Làm việc tại một trang trại ở thành phố Asan, anh hầu như không có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với ai, dù xung quanh khu vực anh sống có khá nhiều người Việt. Đến ngay cả việc gọi điện thoại về Việt Nam cho gia đình ban đầu Châu cũng không biết phải làm thế nào... Nhưng khó khăn không làm Châu nản chí. Anh bắt đầu mày mò học tiếng Hàn, tích cực học hỏi và tìm hiểu về cuộc sống, con người xung quanh mình và bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng sau khi đã hiểu hơn về cuộc sống của những lao động Việt Nam ở xứ sở Kim Chi, để tự giúp mình và giúp đỡ những người khó khăn giống mình khi tới sống, làm việc ở xứ người.

Được một thời gian, Châu và những người cùng chung chí hướng, là một số lao động, phụ nữ di trú và du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, đã thành lập Hội Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhằm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Dù tuổi còn trẻ (khi đó chưa đến 30 tuổi), nhưng Châu đã  được tín nhiệm lựa chọn làm Phó Chủ tịch Hội (đại diện cho người lao động), đồng thời được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Gặp Châu trong một lần anh về nước và đang tìm hiểu các hoạt động về công tác hậu phương người lính biển, anh chia sẻ, một trong những hoạt động hướng về nguồn mà Hội của anh tích cực tham gia đó là ủng hộ phong trào vì biển, đảo quê hương, chú trọng hỗ trợ hậu phương người lính biển. Châu bộc bạch: “Bạn của tôi vẫn công tác ngoài đảo, nên việc chăm lo gia đình không thể chu toàn. Tôi đã hứa với bạn rằng sẽ cố gắng làm những việc ở trên đất liền mà bạn không có điều kiện làm được”.

Sang Hàn Quốc lao động, Châu cũng không ngờ mình có điều kiện để thực hiện lời hứa với những đồng đội ở Trường Sa. Châu tự nhận mình vẫn luôn thua bạn ở lý tưởng, dám đương đầu với khó khăn để làm nhiệm vụ ở nơi không thể nói là dễ dàng. Nói vậy, nhưng nếu biết những việc mình làm ở Hàn Quốc hướng về biển, đảo quê hương thì có thể thấy Châu vẫn đang theo đuổi lý tưởng theo cách của riêng mình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Từ Hàn Quốc, Châu chủ động tìm hiểu hoàn cảnh con em của bộ đội đang công tác ngoài đảo, còn có khó khăn, để kêu gọi quyên góp, gửi về hỗ trợ. Một trong những trường hợp Châu vận động được đông đảo người Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia đó là chương trình ủng hộ gia đình Trung úy Phạm Mạnh Trường, nhân viên hàng hải tàu VH792, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân, người đã dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những trường hợp ủng hộ như vậy, Châu chủ yếu lấy tư cách và uy tín của cá nhân để đứng ra vận động quyên góp. Ở Hàn Quốc, nhiều lao động Việt Nam biết tới một vị Phó Chủ tịch Hội năng nổ, nhiệt tình tham gia và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thiện nguyện ủng hộ quê hương. Từ việc vận động các doanh nghiệp tài trợ các chương trình của cộng đồng, cho đến gặp gỡ, chuyện trò để mọi người có cái nhìn đúng đắn và thiện cảm hơn với các cô dâu Việt…, việc nào khó nhất cũng đều đến tay vị Phó Chủ tịch trẻ tuổi. Nhiều bạn bè, người thân thấy Châu xuất hiện ở khắp nơi, trong các hoạt động cộng đồng...; thậm chí cả một số “điểm nóng”, tệ nạn, xảy ra ra xô xát giữa các lao động…Châu cũng không nề hà. Những lúc ấy, Châu lại phải trổ tài thuyết khách để hòa giải. “Nếu không có uy tín và sự tin cậy của mọi người đối với mình thì rất khó xử lý các vụ việc phức tạp. Có những hôm việc gấp, phải xuất phát từ 2-3 giờ sáng và khi về đến nơi làm việc cũng đã gần 1-2 giờ sáng ngày hôm sau”- Châu cho biết. Hầu như các ngày nghỉ, Châu lại dành hết cho công tác cộng đồng. Công việc “vác tù và hàng tổng” là vậy, nhiều khi bản thân còn phải tự bỏ tiền túi để trang trải, miễn sao cho hoàn thành công việc.

Có thời điểm vừa bận rộn với công việc lao động kiếm sống, lại quá mải mê với công tác cộng đồng, mà Châu sao nhãng cả việc gọi điện về nhà hỏi thăm vợ con. Lúc đầu, vợ anh chưa hiểu chuyện, còn ghen tuông, giận dỗi và nhờ người điều tra. Nhưng sau hiểu các công việc chồng đang làm ở Hàn Quốc, vợ anh chỉ biết động viên chồng: “Cố gắng lên anh nhé!”.

Người “truyền lửa” vì cộng đồng ở xứ sở Kim Chi
Nguyễn Văn Châu (thứ 2, trừ trái sang) và những người bạn cùng chí hướng trong phòng trưng bày các hiện vật và tư liệu về biển, đảo tại nhà riêng của anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp). 

“Chất lính” Trường Sa

Nguyễn Văn Châu tâm sự: Muốn được việc trước hết phải luôn sâu sát và thực sự tâm huyết. Muốn được người khác tin tưởng mình thì mình phải biết tin tưởng và tạo niềm tin cho họ. Chàng thanh niên quê Hải Hậu, Nam Định luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và từng là chiến sĩ Trường Sa.

Có nhiều lao động tại Việt Nam biết về Nguyễn Văn Châu, nhưng cũng không nhiều người biết Châu từng là một chiến sĩ Trường Sa, từng công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Còn những ai biết Châu và những việc anh làm thì đều có chung một suy nghĩ, “chất lính” gần như vẫn vẹn nguyên trong chàng thanh niên đầy nhiệt huyết này. Đã làm, thì dù việc khó đến đâu anh cũng phải làm bằng được và làm bằng cả tấm lòng. Ở Hàn Quốc, nhưng Châu cùng các đồng sự đã phát động chương trình “Giọt hồng xuân mới” kêu gọi các bạn trẻ trong nước hiến máu ủng hộ cháu Thu Hoài, con của một chiến sĩ Trường Sa là Thượng úy Phan Văn Hoàng, bị mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh và chương trình rất thành công, ngoài sự mong đợi. “Những giọt máu ấy không chỉ nuôi dưỡng từng tế bào trong cơ thể cháu Thu Hoài mà nó còn nuôi dưỡng tâm hồn người Việt Nam, cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta”- những lời Nguyễn Văn Châu viết kêu gọi quả có sức lay động dù anh tự nhận không phải là người “văn hay, chữ tốt”. Đơn giản vì những lời lẽ da diết, chân thật và xúc động ấy được Châu viết ra tự đáy lòng mình.

Gặng hỏi mãi, Châu mới chia sẻ chút ít về chuyện 2 năm trước anh dành dụm một phần tiền đi lao động ở Hàn Quốc của mình để giúp đỡ 3 anh em mồ côi họ Hồ (người Pa Cô Vân Kiều), tiền ăn ở để thi cử. Châu còn dự định nếu các em thi đỗ sẽ lo phần học phí cho các em tới khi ra trường. Nhưng sau này người anh cả ra trường đã có thể tự lo cho 2 em, nên Châu không cần phải hỗ trợ nữa. Chuyện này Châu không hề hé lộ cho ai biết, kể cả vợ anh mãi sau này mới biết.

Cứ như vậy, nhiệt huyết của Nguyễn Văn Châu đã góp phần lan tỏa tình yêu Tổ quốc, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào trong cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc. Có trường hợp cảm động đến rơi nước mắt, đó là trường hợp một cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc đã chuyển sạch số tiền còn lại trong tài khoản của mình để ủng hộ gia đình người lính đảo là Thượng úy Đinh Trần Lê, có con trai đầu bị viêm não Nhật Bản và con gái út bị ung thư máu. Liên lạc lại hỏi thăm, Châu mới biết, bạn gái này qua Hàn Quốc theo diện kết hôn, cuộc sống rất khó khăn, nhưng khi Châu đăng thông báo kêu gọi, bạn gái đó không đắn đo mà sẵn sàng hành động đầy nghĩa cử nhân ái.

Với sự chung tay của cộng đồng, Châu và các cộng sự đã làm được nhiều việc nghĩa tình cho quê hương; không chỉ ủng hộ phong trào hướng về biển, đảo quê hương, mà còn tích cực giúp đỡ đồng bào bị bão lụt ở miền Trung, ủng hộ quần áo, đồ dùng, xây nhà bán trú cho trẻ em vùng cao…

“Hữu xạ tự nhiên hương”, không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc, có một số người sử dụng Facebook ở Việt Nam, dù chưa một lần gặp mặt, chỉ biết Châu qua Internet, nhưng họ đã trở thành bạn bè thân thiết. Trong số đó có chị Đinh Thị Lan, người rất khâm phục và quý trọng người cựu chiến sĩ Trường Sa, “một người luôn biết gắn kết mọi người vì một người, mọi người vì Tổ quốc”.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tích xuất sắc của anh góp phần xây dựng, phát triển và đoàn kết cộng đồng hướng về Tổ quốc, năm 2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã trao tặng Nguyễn Văn Châu giấy khen. Anh còn được Chủ tịch thành phố Asan tặng bằng khen vì đã làm tốt vai trò của một thành viên ưu tú trong xã hội.

Nguyễn Văn Châu đã hết hạn hợp đồng lao động và trở về nước năm 2015. Không còn có điều kiện tham gia các công tác cộng đồng hướng về quê hương như trước, nhưng anh vẫn tiếp tục nuôi hoài bão; đang tích cực học thêm tiếng Hàn để trở lại Hàn Quốc làm việc. Còn hiện giờ, ở Việt Nam, Châu hằng ngày chăm chút cho “góc Trường Sa” trong căn nhà mới hoàn thiện của mình. Anh và gia đình dành hẳn một phòng riêng để trưng bày những tư liệu liên quan tới biển, đảo quê hương, bao gồm sách báo về chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, cùng nhiều kỷ vật của các đồng đội là cựu cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và của bản thân. Ngay cánh cửa của gian phòng, Châu cũng kỳ công đục đẽo thành bản đồ hình chữ S với hai quần đảo thân yêu của Tổ quốc, đến những viên gạch lát nền cũng là gạch sản xuất riêng cho “ngôi nhà Hoàng Sa và Trường Sa”. Gian phòng luôn mở cửa chào đón mọi người tới tham quan.

Nguyễn Văn Châu mong muốn sẽ tiếp tục truyền tải cho con em mình, những người thân và bạn bè xung quanh tình yêu và những hiểu biết về biển, đảo quê hương để biết trân trọng, yêu quý và có ý thức, trách nhiệm hơn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đúng là với Nguyễn Văn Châu, một cựu chiến sĩ Trường Sa, thì dù ở đâu, suy nghĩ và hành động của cũng đều mang “chất lính” Trường Sa.

MỸ HẠNH



Cám ơn tất cả các bạn đã theo dõi